Thứ Ba, 5 tháng 8, 2014

Đối phó với dị ứng mỹ phẩm

Mỹ phẩm là một phần không thể thiếu được trong cuộc sống hàng ngày của nhiều bạn. Mỹ phẩm làm tôn vinh vẻ đẹp của các bạn, nhất là trong dịp Tết. Tuy nhiên, dù đã lựa chọn kỹ càng, dù đã bôi thử trước khi dùng thì vẫn có thể có một số tác dụng không mong muốn xảy ra.
Tất cả các loại mỹ phẩm như: sữa rửa mặt, dung dịch tẩy trang, nước hoa hồng, kem chống nắng, kem chống nhăn, kem dưỡng ngày, dưỡng đêm, son môi, phấn má… đều có nguy cơ gây dị ứng. Các loại kem trôi nổi, không rõ nguồn gốc hoặc hết hạn sử dụng còn có nguy cơ làm hại da.
Có 2 loại tác dụng không mong muốn do dùng mỹ phẩm:
Loại tác dụng nhanh: Phản ứng dị ứng cấp tính xảy ra trong vòng 24 giờ sau khi dùng mỹ phẩm. Da tại vùng dùng mỹ phẩm bị đỏ lên rồi các mụn nước, các sẩn xuất hiện trên nền da đỏ. Nền da bị sưng nề lên, căng mọng và có thể tiết dịch. Dịch tiết đọng lại thành các vảy tiết màu vàng như sáp ong, bệnh nhân ngứa rát khó chịu tại vùng da bị viêm.
Loại tác dụng chậm: Sau khi dùng mỹ phẩm một thời gian từ 1 tuần đến nhiều tháng hoặc thậm chí 1 - 2 năm thì các tác dụng không mong muốn chậm mới xuất hiện. Da tại vùng dùng mỹ phẩm bị tối màu rồi sạm lại. Sạm da có thể thành đám nhỏ ở hai gò má hoặc thành mảng lớn hết cả hai má. Da bị mất độ tươi sáng, trông mai mái. Đôi khi da mặt bị đỏ lên và các sẩn, mụn mủ mọc lên trên nền da đỏ làm mặt trông sần sùi rất khó coi. Một số trường hợp bị teo da làm da trông rất mỏng, nhăn nheo. Da còn có thể bị giãn mạch làm mặt liên tục bị ửng đỏ, nhất là khi ra nắng, bệnh nhân bị rát hoặc ngứa khi đi ngoài trời gió hoặc gặp phải nước mưa.
Chăm sóc da mặt: Tránh nắng từ 10 - 14 giờ, không sờ tay lên mặt, không chà xát, không cạy mụn. Rửa mặt nhẹ nhàng ngày 2 lần bằng nước muối hòa loãng hoặc các loại sữa thích hợp.
Điều trị: Việc đầu tiên là phải dừng các mỹ phẩm đang dùng lại.
Khi tổn thương da viêm đỏ trong giai đoạn cấp tính, có tiết dịch, chảy nước thì bôi các dung dịch có tác dụng làm dịu da, hút dịch như jarish, dalibour, eryfuid... Bôi ngày 2 lần cho đến khi khô. Nếu bị nhiễm trùng bồi phụ thì uống một trong các loại kháng sinh như: cefuroxim, roxithromycin... Một đợt dùng thuốc từ 7 - 10 ngày. Một số trường hợp bị viêm nặng với phản ứng phù nề cấp thì phải vào viện điều trị.
Khi tổn thương da viêm khô hơn thì bôi các chế phẩm chứa corticoid hoạt phổ nhẹ như: eumovate, fucicort... Bôi ngày 2 lần trong 1tuần.
Nếu bị sạm da thì bôi kem chống nắng buổi sáng, tối bôi các chế phẩm làm nhạt màu các vết thâm như: hydroquinone 2%, isotretinoin 0,1%.
Nếu da mặt bị sần sùi như vỏ cam sành và có nhiều mụn trứng cá thì phải điều trị như một bệnh cảnh viêm da dầu và trứng cá. Dùng sữa rửa mặt cho da dầu như teenderm gel, bôi các thuốc trị mụn như: isotretinoin 0,1%, erylik… nếu không cải thiện được thì phải dùng thuốc uống dưới sự chỉ định và theo dõi chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa da liễu.
Nếu bị teo da thì phải dùng tại chỗ các chế phẩm tái tạo da như cream vitamin E, chiếu laser Heli-Neon tại chỗ một đợt,  uống vitamin E từng đợt.
Khi da bị giãn mạch thì phải dùng tại chỗ các chế phẩm tái tạo da như cream   vitamin E, chiếu laser Heli-Neon một đợt, uống vitamin E từng đợt. Nếu không đỡ thì phải điều trị bằng laser kỹ thuật cao.
Phòng tránh các tác dụng không mong muốn: Khi muốn dùng mỹ phẩm, bạn phải chắc chắn da mặt bạn trong tình trạng hoàn toàn khỏe mạnh, không bị viêm.
Phải dùng các mỹ phẩm có nguồn gốc rõ ràng, vẫn còn hạn sử dụng.
Trước khi dùng mỹ phẩm phải bôi trước trên da mặt một diện tích khoảng 1cm2 trong 3 ngày liên tục. Nếu không bị đỏ hoặc ngứa thì mới được sử dụng lên cả mặt.
Trong thời gian đang sử dụng mỹ phẩm mà có bất kỳ dấu hiệu ngứa hoặc rát hoặc khó chịu trên da thì bạn phải dừng lại và đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu ngay.
TS.Nguyễn Thị Lai

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons