Thứ Bảy, 28 tháng 6, 2014

Xăm trổ - nghệ thuật hay trò vui nguy hiểm?

Ngày nay, chuyện xăm trổ cũng chẳng còn lạ lẫm gì, nhưng như ông George Lai, 53 tuổi, người Mỹ sống ở bang Pennsylvania tự hào khoe có tới 1.900 hình xăm trên cơ thể thì thật khó tưởng tượng, có lẽ không ai trên thế giới này có bản lĩnh chơi ngông như thế. Ở ta thì đã có người xăm trổ cả tấm lưng to như cánh phản với những con thủy quái đang tạo nên những cơn sóng trào trên biển hồ, còn những người xăm trổ trên vai, hoặc cánh tay và chân là chuyện quá bình thường. Vì sao, giờ đây nhiều bạn trẻ lại có thú chơi cái trò rạch vào da thịt này? đây là trò chơi nghệ thuật hay là trò vui tạo sự phản cảm đến ghê rợn cho cộng đồng?
Hiện nay, thống kê số người ghi danh vào CLB nghệ thuật xăm trổ Việt Nam (Tottoo Club Vietnam) đã lên tới con số hơn 50.000 và họ luôn luôn coi mình là những nghệ sĩ (Tatoo artist).
Qua khai quật thi thể người có hình xăm cổ nhất, các nhà khoa học đã xác định có cách đây 5.000 năm. Riêng ở Mỹ, xưởng xăm mình đầu tiên hành nghề ở New York, xuất hiện năm 1846. Còn ở nước ta, những hình xăm thủy quái, hay những hình chữ biểu tượng cho tinh thần quật khởi đã được coi là bùa hộ mệnh cho những người đi trên biển và binh lính đã có từ thời Trần. Theo sử sách, ban đầu tục xăm mình là một tập quán mang tính nghi thức tôn giáo và có ý nghĩa tinh thần của một thời kỳ đặc biệt trong xã hội.

 
Trong lịch sử, nhiều nước phong kiến đã coi việc xăm mình là một đòn trừng phạt dã man, đóng dấu vào mặt, vào ngực nhưng kẻ phạm tội và đưa đi lưu đày. Hoặc nhiều băng đảng trong xã hội ngày nay phân biệt bằng những hình xăm kỳ quái trên cánh tay hay trên bờ vai. Nhưng thiên hướng xăm mình cổ xưa đều ẩn chứa những mơ ước tốt đẹp trong cõi tâm linh được lưu giữ lâu bền và phát triển có chiều sâu trong các tổ chức cộng đồng nhân loại. Cũng vì gắn bó với thần linh và những ước vọng cuộc sống, vượt qua những thiên tai, vận hạn nên các hình xăm trổ dần dần được hoàn thiện mang sắc thái mỹ học của từng địa phương. Từ đó xuất hiện những tài năng hình họa và giỏi giang về kỹ thuật xăm mình. Đặc biệt về đường nét hình tượng và màu sắc đều có những ước lệ dị thường và được hoàn thiện từng bước mang dấu ấn phổ cập. Cũng từ những hình tượng ước lệ này, tuỳ mỗi nước, mỗi địa phương lại có những sáng tạo riêng phụ thuộc vào hoa tay của các nghệ nhân. Những hình xăm hết sức phổ biến là các con vật và các loài hoa. Chúng đều mang ý nghĩa khác nhau để tùy sự chọn lựa cho phù hợp với từng cá tính. Thí dụ hình con rồng là biểu tượng cho quyền lực và sức mạnh, con nhện được định hình với một tính cách trầm mặc, và là sự tinh tế của nội tâm... Màu sắc lại phụ thuộc vào "mệnh" của từng tuổi. Nếu người có mệnh "Hỏa" thì lại chọn màu đỏ, tím còn mệnh "Thủy" lại tìm tới màu đen, xám hoặc ghi xám... Như vậy việc xăm trổ thể hiện cái tôi rời rạc, đơn lẻ chứ chưa tạo nên một loại nghệ thuật tạo hình mới. Mãi tới những năm đầu thập kỷ 60, các ngôi sao nhạc Rock như Janis Joplin và Greg Allman mới tạo ra làn sóng đầu tiên của trường phái "Nghệ thuật trên cơ thể". Lúc này, hình xăm không còn là vật chứng của những thủy thủ, tội phạm và gái mại dâm nữa mà các nhạc sĩ Rock xăm mình chứng tỏ một lối sống và suy nghĩ độc lập với xã hội đương thời. Có thể nói từ đây, xăm mình là biểu tượng cho sự nổi loạn và gây sốc trong sinh hoạt văn hóa, vượt qua các ước lệ cứng nhắc, đã tạo thành trào lưu nghệ thuật mới. Nó bắt đầu có ngôn ngữ riêng với những hình tượng phong phú và đầy ấn tượng.

 
Đến nay, Mỹ là một "cường quốc" về xăm trổ với con số khoảng 45 triệu người tham gia với mong muốn thể hiện cái tôi trong "tư duy". Năm 1998, Chính phủ Mỹ đã chính thức cho phép các nghệ sĩ xăm được hoạt động công khai. Thậm chí, giờ đây mỗi bang ở Mỹ đều có các đại hội "tattoo" được tổ chức hàng năm, quy tụ các nghệ sĩ xăm nổi tiếng trên toàn thế giới thi tài về phối màu, vẽ và kỹ thuật xăm trổ. ở nhiều nước khác trên thế giới, nghề xăm trổ không phát triển mạnh như ở Mỹ, nhưng cũng đã hình thành nhiều phong cách nghệ thuật xăm trổ trên cơ thể và đã thu hút hàng chục triệu người, nhất là lớp trẻ, tham gia trò chơi này. Riêng ở Việt Nam, các trung tâm hành nghề vẫn bán công khai nếu không nói đa số đều làm chui. Tất nhiên, các tụ điểm này và các người đến xăm trổ vẫn chỉ dừng ở mức độ ghi dấu những hình ảnh mang tín ước lệ ở cấp thấp và mang tính minh họa cho những kỷ niệm hoặc để vui. Ngoài những người trong giới giang hồ hoặc các nghệ sĩ, đến các trung tâm này còn có nhiều thành phần khác nhau, từ sinh viên đến người trung niên, hoặc từ người lao động đến các tầng lớp trí thức. Họ tạo nên một "Hội" thích xăm trổ khá hùng hậu nhưng lại không định hình về những quan niệm nghệ thuật chính thống mà chỉ do yêu thích mà đến, nên còn nhiều bất cập trong quá trình tham gia trò chơi . Chính vì lẽ đó, ngoài các trung tâm có trang thiết bị hiện đại để xăm trổ tránh nhiễm bệnh trên cơ thể, còn hàng trăm địa điểm rải rác trên toàn quốc đều chỉ dùng những dụng cụ thô sơ và quy trình rất cũ tạo ra nhiều nguy cơ cho những người đến "hiến mình" cho việc "phẫu thuật" ẩn chứa bệnh tật này. Vì công cụ, nhất là kim tiêm không được tiệt trùng nên dễ nhiễm các bệnh dễ lây truyền như viêm gan B, C, uốn ván, thậm chí nhiễm HIV/AIDS... Chính vì mục đích đến xăm trổ của nhiều người không bình thường, có thể vì những ý thích bồng bột, chán đời, thù hận... nên nhiều bạn trẻ đã liều lĩnh xăm mình ở những nơi không an toàn vệ sinh. Những người này tự cho mình là tạo dựng bản ngã và nghĩ rằng đây là thú vui mang tính nghệ thuật, quả là sai lầm.
Hiện có khá nhiều câu lạc bộ xăm trổ với các quy mô khác nhau xuất hiện tràn lan trên toàn quốc. Họ đang đứng giữa ngã ba đường và không vượt qua được ranh giới những quan niệm bền vững trong xã hội lâu nay rằng, việc xăm trổ là bệnh hoạn và chưa được nhà nước công nhận chính thức là một nghề công khai. Hơn nữa quan niệm của chính những thành viên các câu lạc bộ này về một loại hình nghệ thuật trên cơ thể còn nhợt nhạt, chủ yếu chỉ khoanh vùng ở thú vui và chạy theo "mốt" thời thượng mà thôi. Do vậy họ trở thành những nạn nhân của tình trạng nửa dơi nửa chuột.
Hơn nữa, một thị trường tự do đang mặc sức tung hoành ở các trung tâm, tụ điểm hành nghề trôi nổi. Giá cả mỗi lần xăm từ 300.000đ đến vài triệu đồng. Mặc dù ở một số CLB, đã từng có quy định chỉ xăm 2 người mỗi ngày và mỗi người một kim, mực riêng, dao cạo riêng, xăm xong mang về nhưng không thể loại trừ những hiểm họa bệnh tật. Có trung tâm đã có trang bị những chiếc "súng" chuyên dụng bắn lên da để cho đỡ đau nhưng xét đâu là chuẩn mực cho giá cả và các yếu tố bảo hiểm y tế thì có mà trời biết.
Xét về xu thế, xăm mình dù ở ta chưa có thể coi là một sinh hoạt nghệ thuật nhưng đã phát triển thành phong trào tự phát không kém phần lộn xộn và có nhiều dấu hiệu tiêu cực cần được các nhà quản lý quan tâm.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons