Thứ Hai, 30 tháng 6, 2014

Lưu ý khi dùng kem chống nắng

TS. Nguyễn Thị Lai
Tia cực tím

Mùa hè là mùa nắng nóng ở miền Bắc nước ta. Tia cực tím trong ánh nắng mặt trời có tác dụng làm chuyển hóa vitamin D nên chống được còi xương. Tuy nhiên tia cực tím còn có tác dụng không tốt khác như làm bỏng da, sạm da, lão hóa da trước tuổi gây nhăn nheo. Ở một số trường hợp nếu tiếp xúc nhiều có thể góp phần gây ung thư da. Người ta chia cực tím (Ultra Viole viết tắt là UV) làm 3 loại theo độ dài bước sóng. Tia UVA, B và C. Trong số này tia UVC là nguy hiểm nhất nhưng may mắn thay trên đường chiếu xuống bề mặt trái đất chúng bị hấp thu hầu hết bởi tầng ozone. Trên thực tế có tia UVC nhân tạo được sử dụng trong các đèn sát khuẩn.
Bỏng nắng, sạm da và nhăn da gây nên do tia UVA và UVB.
Tia UVA có bước sóng dài: 340 - 390nm. Tia này có đậm độ cao nhất vào thời gian giữa trưa và đi qua tất cả các lớp của da xuống tận hạ bì. Khi tia này tiếp xúc với bề mặt da không được che phủ sẽ có thể gây bỏng với mức độ rất nhẹ là ban đỏ nhạt, hơi rát. Những tia xuyên sâu xuống trung bì và hạ bì gây rám từ từ, kéo dài và có thể gây thoái hoá một phần tổ chức liên kết tạo thành các nếp nhăn da do ánh nắng (photoaging). Tia UVA còn phối hợp với tia UVB gây ung thư da trong một số trường hợp.
Tia UVB có bước ngắn hơn: 290 - 340nm. Tia UVB có năng lượng cao và gây hại nhiều. Tia này đi qua thượng bì xuống trung bì. Nó tác động vào các tế bào ở lớp sừng và các lớp nông của thượng bì gây bỏng nắng mạnh hơn tia UVA: da đỏ lên, phù nề, bỏng rát... Sau đó bong vảy da nhẹ để lại bề mặt da có màu hồng nhạt hoặc thâm, nếu thâm không hết đi thì có thể gây rám kéo dài. Mặt khác tia UVB còn kích thích tổng hợp sắc tố gây nên sạm da muộn và kéo dài, mức độ gây sạm nặng hơn tia UVA và ngày càng tăng lên.
Các phương pháp hạn chế tác hại của tia cực tím
- Tránh nắng một cách tích cực, chủ động: Nên tránh nắng từ 10 – 14 giờ nếu có điều kiện. Tránh nắng ở thời điểm này mang lại hiệu quả rất cao vì không phải tiếp xúc trực tiếp với tia cực tím.
- Che chắn: Nên có biện pháp phòng hộ cho những người có công việc thường xuyên phải tiếp xúc với ánh nắng mặt trời như công nhân làm đường, ngư dân, nông dân. Nếu có việc phải đi ra ngoài thì nên đội nón, mũ, đeo khẩu trang.
- Kem chống nắng: Với những người có làn da mẫn cảm với ánh nắng mặt trời nên bôi kem chống nắng khi đi ra đường. Kem chống nắng chứa các hoạt chất chống được các tia cực tím A hoặc B hoặc cả hai. Tác dụng chống nắng do các hoạt chất có tác dụng hấp thụ hoặc phản chiếu lại hoặc tán xạ tia cực tím. Độ chống nắng được đánh giá bằng chỉ số SPF (sun protection factor). Hoạt chất: paraaminobenzoic acid (PABA) 5% có tác dụng chặn tia UVB để tránh bỏng nắng và chống sạm da tiềm tàng nhưng lại cho tia UVA đi qua vì vậy vẫn có thể gây sạm da tức thì. PABA chống nắng tốt nhưng có thể gây kích ứng hoặc làm khô da, PABA dạng ester làm dịu da hơn nhưng vẫn có thể gây kích ứng. Nhiều hoạt chất được sử dụng trong các loại kem chống nắng như: dibenzoylmethane, cinnamate, benzophenone, titanium, dioxide, talc, kaolin, oxide sắt, oxide kẽm...
Các loại kem chống nắng chỉ có tác dụng sau khi bôi 15 - 20 phút, sau 2 giờ phải bôi lại nếu bạn vẫn trong điều kiện tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Thời gian phải sử dụng kem chống nắng là từ 9 - 15 giờ. Khi tắm biển bạn nên bôi kem chống nắng. Một số loại kem có thể tồn tại trong nước biển 1 giờ. Nếu tắm lâu quá thì sau khoảng 50 phút bạn phải bôi lại kem chống nắng. Nên tránh tắm biển trong khoảng thời gian từ 9 – 16 giờ.
Để hạn chế các tác dụng phụ của kem chống nắng: Trước khi bôi kem chống nắng bạn nên bôi thử một ít kem vào một vùng da nhỏ chừng 1cm2 trên mặt trong 3 - 4 ngày nếu không có dấu hiệu gì thì có thể yên tâm bôi rộng ra cả mặt. Khi bôi thử mà có dấu hiệu bất thường thì phải ngừng bôi ngay.
Khi bôi kem chống nắng có thể gặp các tác dụng phụ sau:
- Kích ứng da: Sau khi bôi kem da bị đỏ lên, dày bì, căng rát và cảm thấy rấm rứt, khó chịu.
- Dị ứng: Do da bạn không chịu được thành phần nào đó có trong kem chống nắng: da đỏ lên, phù nề, ngứa. Nếu nặng thì có thể bị các mụn nước dày đặc, chảy nước.
Trong quá trình bôi kem chống nắng nếu thấy có các dấu hiệu trên bạn phải ngừng sử dụng kem chống nắng, đến bác sĩ chuyên khoa da liễu khám và điều trị theo đơn.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons