Dù chưa thực sự ủng hộ các người đẹp một cách đúng nghĩa thì khán giả Việt cũng không nên biến ước mơ thăng hạng trên bản đồ nhan sắc quốc tế trở thành tham vọng quá đà dẫn đến việc “cay cú, bất bình”của người hâm mộ. Một khi chưa thực sự thay đổi công nghệ luyện nhan sắc thì càng không nên biến các người đẹp trở thành “tội đồ” khi họ chưa có được môi trường đào tạo thực sự bài bản.
Nỗi khổ “mang chuông đi đánh xứ người”
Nhiều nước trên thế giới, việc đi thi hoa hậu còn quan trọng hơn cả những cuộc tranh tài thể thao, nghệ thuật... Vì thế, người đẹp của họ được ví như tài sản quốc gia mà ai cũng phải ngưỡng mộ và trân trọng. Đành rằng ở nước ta chưa có lò luyện hoa hậu nên phần lớn sự cố gắng của một số tổ chức, cá nhân với việc cử đại diện Việt Nam tham gia các cuộc thi nhan sắc thế giới chưa đạt kết quả như mong đợi thì nỗ lực đó xứng đáng nhận được lời khen và động viên nhưng thực tế không phải như vậy. Áp lực càng lớn dần đối với những người đẹp “mang chuông đi đánh xứ người” khi dư luận lặp đi lặp lại kịch bản: thắng thì ca ngợi hết lời, thua thì vùi dập không thương tiếc. Cũng vì phải chịu đựng siêu áp lực kiểu này nên nhiều người đẹp của ta sang xứ người không giành được giải cao thì cũng xứng đáng được ghi nhận là người có… tinh thần thép với những “làn mũi tên” chỉ trích đang chờ đợi mình từ phía quê nhà. Một đại diện đã từng tham gia cuộc thi nhan sắc quốc tế tâm sự: Buồn vô cùng khi nỗ lực của mình không đạt được kết quả như mong đợi nhưng điều đó cũng không thể so sánh với nỗi tủi khi phải chấp nhận thực tế người hâm mộ quay lưng với mình.
Thiếu môi trường đào tạo bài bản
Trả lời về thắc mắc vì sao nhan sắc Việt luôn gặp phải sự cố không mong muốn tại đấu trường quốc tế, người mẫu Thúy Hạnh tâm sự: Cuộc thi nào cũng xảy ra sự cố, điều này khó tránh, tuy nhiên, không nên đổ lỗi cho sự cố nếu như người đẹp của ta vẫn có khả năng chinh phục. Sự chuẩn bị của thí sinh Việt Nam dù kỹ đến đâu vẫn cứ… thiếu vì sự chuẩn bị đó chỉ là bề ngoài, cái bên trong cần có thời gian để họ tích lũy...
Nhan sắc Việt đang thiếu một nền tảng cơ bản khi phải “chiến đấu” với nhan sắc quốc tế luôn tự tin về mọi mặt. Phải chăng cái thiếu của ta chính là công nghệ đào tạo nhan sắc mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng?
Vấn đề nhan sắc Việt chưa thể tỏa sáng trên đấu trường quốc tế không nên đổ lỗi cho một cá nhân hay tổ chức nào đó. Khán giả không ở phía hậu trường để có thể chứng kiến hết khó khăn và áp lực mà các thí sinh tại những cuộc thi nhan sắc phải trải nghiệm, vì thế, nên có cái nhìn công bằng và thiện cảm hơn với các người đẹp. Dù là “ngọc thô” hay ngọc đã được mài dũa thì khi được nâng niu và trân trọng, nó sẽ tỏa sáng.
GIA VI
0 nhận xét:
Đăng nhận xét