Ánh nắng là nguồn gốc của sự sống nhưng cũng ẩn chứa những mối nguy hiểm chết người. Với một lượng ánh sáng và nhiệt độ vừa đủ, con người sẽ không bị tổn thương.
Tuy nhiên, khi lượng ánh sáng và nhiệt độ quá cao, cơ thể sẽ chịu tác động của các tia cực tím (hay còn gọi là tia tử ngoại) có trong ánh nắng và nhiệt độ cao. Nó có thể làm rối loạn các chuyển hóa trong cơ thể và phá hủy cấu trúc tế bào, gây bỏng da, viêm da, ung thư da.
Sạm da
Loại tổn thương da nhẹ nhất do tia cực tím gây ra đó là sạm da do nắng hay còn được gọi là "rám nắng". Hiện tượng này xảy ra sau khi da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời và sau đó trở nên đen sạm hoặc có màu đỏ nâu. Đây chính là một phản xạ của cơ thể nhằm chống lại tác dụng có hại của tia cực tím. Khi có một lượng tia cực tím lớn chiếu vào bề mặt da, các tế bào sẽ tăng cường sản xuất và huy động lượng sắc tố có tên gọi là melanin tập trung trên bề mặt da để ngăn cản tia cực tím đâm xuyên sâu hơn vào các lớp tế bào bên dưới của cơ thể. Khi lượng melanin tăng cao sẽ làm cho da trở nên đen sạm hơn. Sau một thời gian ngừng tiếp xúc với ánh nắng, bề mặt da sẽ trở lại bình thường.
Bỏng nắng
Tổn thương nặng hơn của da do tia cực tím khi tiếp xúc với ánh nắng là loại tổn thương bong, viêm da do nắng hay còn được gọi là bỏng nắng, cháy nắng. Sau khi tiếp xúc lâu với ánh nắng mặt trời (có trường hợp dưới 15 phút), da vùng tiếp xúc sẽ đỏ lên và kéo dài chừng 2 - 6 giờ sau đó chuyển màu đen sạm, phồng rộp mụn nước như bỏng kèm đau rát, sưng nề vùng tổn thương. Quá trình này kéo dài hàng tuần hoặc hơn và kết thúc bằng sự bong rộp từng mảng của lớp tế bào da bị chết.
Cần tránh ánh nắng trực tiếp
Dự phòng các tổn thương do tia cực tím chủ yếu là tránh ánh nắng chiếu trực tiếp vào da bằng các biện pháp như tránh đi ra ngoài trời nắng trong khoảng thời gian từ 10 - 16 giờ, khi phải đi ra ngoài nắng hoặc phải làm việc dưới trời nắng nên mang đủ các trang bị bảo hộ như kính râm, quần áo chống nắng, mang ô, đội mũ nón,… Nếu có điều kiện nên sử dụng thêm các loại kem chống nắng an toàn.
|
Các yếu tố khác cũng có thể làm tăng nguy cơ cháy nắng như người lâu không tiếp xúc với ánh nắng (người ở nơi ít ánh nắng mặt trời, người thường xuyên làm việc trong nhà…); người đang dùng một số loại mỹ phẩm hoặc thuốc như thuốc tránh thai, kháng sinh, thuốc an thần; người có cơ địa nhạy cảm với ánh nắng và cuối cùng là "lỗ thủng" của tầng ôzon, lớp ngăn chủ yếu các tia cực tím có hại đến từ mặt trời, sẽ tạo điều kiện cho tia cực tím chiếu trực tiếp xuống trái đất nhiều hơn.
Dị ứng
Ở một số người còn có thể bị dị ứng khi tiếp xúc với ánh nắng, thậm chí với ánh sáng thông thường. Các biểu hiện bao gồm mẩn ngứa, nổi mày đay bắt đầu xảy ra sau vài phút tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Tổn thương trên da là các mảng phát ban, ngứa và mụn nước. Loại hình tổn thương này thường tiến triển tốt lên sau khi ngừng tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Ung thư da
Tia cực tím còn có thể gây ung thư da khi tiếp xúc lâu với ánh nắng mặt trời mà không được bảo vệ. Tia cực tím khi đi qua tế bào da sẽ làm tổn thương DNA - phần nhân tế bào. Khi DNA bị tổn thương có thể sẽ hình thành các tế bào ung thư ở những người nhạy cảm. Có ba loại ung thư da do tia cực tím gây nên: ung thư tế bào màng đáy, ung thư tế bào vảy và ung thư tế bào hắc tố. Các triệu chứng của ung thư da xuất hiện một thời gian dài sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và có thể tiến triển âm thầm khó nhận biết.
Ngoài ra, tia cực tím có thể gây các tổn thương khác trên da như tạo các nốt tàn nhang, nếp nhăn, đẩy nhanh quá trình lão hóa da, dày sừng da, tạo các nốt trứng cá, mụn nước...
0 nhận xét:
Đăng nhận xét