Những đôi giày "monk strap" có quai chắc chắn giúp bảo vệ bàn chân phái mạnh, đồng thời có kiểu dáng phù hợp cho mọi hoàn cảnh.
Khi đứng trước một người đàn ông, ngoài gương mặt, phụ nữ thường chú ý tới ba điều: mùi hương, đồng hồ và đôi giày. Nếu mùi hương thể hiện sức hút về mặt giới tính, đồng hồ đại diện cho sự thành đạt thì giày nói lên cách các đấng mày râu chăm chút cho cuộc sống. Vì vậy, đây là loại phụ kiện không thể thiếu trong tủ đồ của các quý ông.
Những năm gần đây, xu hướng giày thầy tu (monk strap shoes hay monk shoes) trở nên phổ biến trên đường phố cũng như sàn catwalk. Chúng được coi như "người kế vị" những đôi Oxford cổ điển vốn thống trị làng mốt nhiều năm.
Với đủ tầm giá, từ 100 USD (2 triệu đồng) đến hơn 1.500 USD (khoảng 33,5 triệu đồng), giày thầy tu càn quét mọi cửa hàng thời trang và trên nhiều website bán hàng trực tuyến. Các chuyên trang, tạp chí về phong cách như Vogue, Elle,GQ, Esquire... đã đưa mẫu giày này vào danh sách "phụ kiện không thể thiếu" với phái mạnh hiện đại.
Giày thầy tu được fashionista nổi tiếng -Adam Gallagher - ưa chuộng mỗi khi xuất hiện trên phố. Ảnh: Pinterest
|
Giày thầy tu nổi tiếng vì độ bền và phù hợp với mọi phong cách ăn mặc
Những đôi giày này xuất hiện ở châu Âu vào khoảng thế kỷ 15 để phục vụ giới tu sĩ trên dãy Alps, thay cho loại sandal kém an toàn. Ngoài khả năng bảo vệ đôi chân với phần mũi được gia cố đai khóa bám chắc, giày thầy tu thời ấy nổi tiếng vì độ bền. Do đó, chúng luôn là lựa chọn hàng đầu của giới tu sĩ và dần trở thành dấu hiệu nhận biết họ.
Đến thế kỷ 19, giày thầy tu được John Lobb - nhà sáng lập thương hiệu giày hàng đầu ở Northampton (Anh) - "phù phép" trở thành hiện tượng thời trang khi cải tiến và dâng lên hoàng tử Edward.
Trải qua quá trình sản xuất gồm 190 công đoạn khác nhau, mất tới vài tuần để hoàn thiện, kiểu giày của John Lobb đạt tới độ hoàn hảo cả về chất lượng lẫn hình dáng. Như phản ứng dây chuyền, hàng loạt nhà mốt bắt tay làm loại giày này để cạnh tranh như: Edward Greem, Alfred Sargent, Sid Mashburn hay sau này là J. Crew.
Thiết kế của giày thày tu giúp cho đàn ông có thể kết hợp với nhiều trang phục ở các sự kiện khác nhau. Ảnh: Blogspot
|
Tuy nhiên, trong thời kỳ đầu phổ cập, giày thầy tu bị nam giới nói chung "ghẻ lạnh". Lý do là vì phần thiết kế. Các đấng mày râu khi xưa cho rằng kiểu giày này không đủ đứng đắn để mặc cùng suit nhưng cũng chẳng phù hợp để mặc trong những dịp giao thiệp hàng ngày. Họ cần thứ gì đó, hoặc là lịch lãm hẳn như Oxford, Derby (hai loại giầy tây, khác nhau ở mui, giày Oxford có mui giày đóng với chỉ may cố định, giày Derby với mui giày mở), hoặc là thoải mái hẳn như Loafer (giày lười).
Đến thập niên 1980, Lino Ieluzzi - chủ hiệu may Al Bazar nổi tiếng ở Milan (Italy) - trở thành người thay đổi quan điểm này. Là nhân vật được các biên tập viên thời trang của chuyên trang nổi tiếng về phong cách Satorialist yêu thích, ông Lino Ieluzzi tích cực lăng xê cho mốt giày thầy tu quai đôi.
Theo sau đó là sự tham gia của hàng loạt nhà thiết kế nổi tiếng như Yves Saint Laurent hay Alexander McQueen. Sức ảnh hưởng của họ lớn tới nỗi ngày nay, giày thầy tu trở thành top phụ kiện được sử dụng nhiều nhất tại tuần thời trang nam Pitti Uomo tổ chức ở Florence hai năm một lần.
Nhờ thiết kế kết hợp giữa giày Derby (giày da buộc dây mui mở) và Loafer (giày lười), những đôi giày thầy tu hiện tại có được cả sự tiện dụng lẫn lịch lãm nên phù hợp để diện trong những dịp hò hẹn lãng mạn hay họp bàn nghiêm trang. Đàn ông có thể chọn loại có một đến ba dây đeo, da bóng hoặc da lộn, đi giày với tất hoặc với chân trần, diện cùng suit hoặc đồ denim.
Những đôi giày thầy tu tạo nên phong cách khác biệt cho quý ông khi xuống phố. Ảnh: Wordpress
|
Cách chọn giày thày tu cho nam giới
1. Quai: giày một quai dành cho người thích sự đơn giản và gọn gàng. Trong khi những mẫu hai quai lại phù hợp với các đấng mày râu cá tính, đề cao sự khác biệt.
2. Màu sắc: Tông nâu phù hợp với hầu hết loại quần áo, gam màu, chỉ trừ các loại suit đen. Màu đỏ rượu vang (hay Burgundy) mới nổi gần đâyphù hợp với quần áo tông xanh như navy hay đồ jeans. Màu đen cũng có thể phối đa dạng với các loại trang phục tông khác nhau, đảm bảo sự sang trọng.
3. Chất liệu: Với da thường, hãy chọn các loại sản xuất ở châu Âu như Italy, Anh hay Pháp để đảm bảo tuổi thọ cho giày. Với da lộn, bạn cần cân nhắc bởi chất liệu này dễ thấm nước hơn vào có khả năng hỏng nhanh hơn da thường.
4. Kết hợp với tất: Bạn có thể chọn một trong hai cách: đi với tất hoặc chân trần. Nếu đi tất, bạn nên chọn màu đen để đi cùng giày đen, màu xám hoặc than để kết hợp với giày nâu hay màu đỏ rượu. Nếu không đi tất, bạn hãy chú ý sao cho gấu quần cách giày một đoạn ngắn.
5. Mặc cùng suit: Bạn nên chọn da thường vì da lộn sẽ làm trang phục mất sang. Suit đen chỉ hợp với giày da cùng màu. Trong khi đó, các loại suit navy lại hợp với màu nâu và máu đỏ rượu vang.
|
Theo Thành Trương - VnExpress
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317
0 nhận xét:
Đăng nhận xét